Doanh nhân Miến Điện ‘đổi phe’

Cập nhật: 10:46 GMT – thứ năm, 17 tháng 1, 2013
Những nhân vật từng bảo trợ chính quyền quân sự Miến Điện nay lại trở thành nhà tài trợ cho đảng của lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi.

Những người ủng hộ người phụ nữ được giải Nobel Hòa bình nói việc nhận tiền vừa cần thiết cho tài chính vừa khôn ngoan về chính tri.Các bài liên quan

 Aung San Suu Kyi
Bà Aung San Suu Kyi nói ai cũng
cần cơ hội “sửa mình”

Đảng đối lập, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), đã nhận 211.5 triệu kyat (250.000 đôla) tại buổi hòa nhạc gây quỹ từ công ty của các doanh nhân vẫn bị phương Tây cấm cửa.
Những người này đã trở nên giàu có dưới chế độ quân sự cai trị Miến Điện gần nửa thế kỷ.
Theo hãng tin Reuters, vụ quyên tiền không gây ồn ào ở Miến Điện, một dấu hiệu cho thấy uy tín cá nhân của bà Suu Khi. Nó cũng chứng tỏ những người từng hưởng bổng lộc của quân đội đã “tự diễn biến” như thế nào từ ngày có chính quyền cải cách ở nước này đầu năm 2011.
Hòa giải?
Một số người cũng xem đây là dấu hiệu hòa giải sau hàng chục năm kìm kẹp của chính quyền quân đội.
Ngân hàng AGB, của tỉ phú Tay Za, người từng bị chính phủ Mỹ mô tả là “tay sai chính quyền và kẻ buôn vũ khí khét tiếng”, đã tặng 40 triệu kyat (47.000 đôla) cho đảng của bà Suu Kyi trong buổi hòa nhạc tháng 12.
Vợ của Kyaw Win, một doanh nhân sở hữu đài truyền hình SkyNet, tặng 41.5 triệu kyat (50.000 đôla), trong khi đài SkyNet cũng tặng 130 triệu kyat (151.430 đôla).
Đại diện cho đảng NLD nói: “Số tiền quyên được là cho mục đích giáo dục, chứ không làm gì cho đảng.”
Tỉ phú Tay Za và nhiều doanh nhân khác vẫn nằm trong danh sách đen của các nước phương Tây, mặc dù đa số lệnh trừng phạt với chính phủ Miến Điện đã được tạm gỡ bỏ.
Tuần rồi, bà Suu Kyi, người đã có 17 năm bị quản thúc cho đến khi được tự do năm 2010, bảo vệ hành động của mình.

“Bất cứ ai cũng cần có cơ hội sửa mình, dù đã làm sai nhiều đến đâu.”

Aung San Suu Kyi

“Bất cứ ai cũng cần có cơ hội sửa mình, dù đã làm sai nhiều đến đâu,” bà nói.
Một số người ủng hộ bà trên Facebook đã gọi bà Suu Kyi là “Robin Suu”, nhắc đến nhân vật truyền thuyết của Anh cướp của người giàu chia cho người nghèo.
Đảng NLD có hơn một triệu thành viên nhưng đa số là người nghèo.
“Trong chính trị, ngân quỹ cần thiết để tồn tại,” Derek Tonkin, cựu đại sứ Anh ở Miến Điện nói.
Một cựu đại sứ khác của Úc, Trevor Wilson, nói những người từng cung phụng chính quyền cũ đóng vai trò quan trọng cho phục hồi kinh tế.
“Rất cần phải đặt họ dưới pháp quyền,” ông nhận xét.
Bà Suu Kyi và những nhà tài trợ đang chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử năm 2015, khi NLD sẽ đối đầu với đảng cầm quyền có nhiều tiền, được thành lập từ thời quân phiệt cũ.

Bài này đã được đăng trong BBC. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này