Sài Gòn từ những con hẻm nhỏ

Hiển nhiên Sài Gòn là thành phố có nhiều ngõ hẻm nhất trong cả nước. Một nhà báo ngoại quốc tới Sài Gòn, đã xem những ngõ hẻm của thành phố này là “Hẻm phố thông ra thế giới.”
Hẻm phố bình dân ở đường Tôn Ðản, quận 4. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)
Trong bài viết ở tạp chí “Saigon City Life,” nhà báo cảm nhận những ngõ hẻm của Sài Gòn là những nguồn lạch chảy ra sông ra biển; ngõ hẻm chi chít chảy ra đường phố, ra các đại lộ, nơi những công trình kiến trúc tổng hợp những nét văn hóa của thế giới.
Những ngõ hẻm của Sài Gòn chứng kiến bao thay đổi của lịch sử, để Sài Gòn có được một một bảng màu sinh động trên con đường đi tới thế giới bao la.
Sài Gòn chi chít hẻm và hẻm; hẻm phố Sài Gòn đa hình đa dạng, muôn vẻ muôn màu.
Có thể nêu hình ảnh tiêu biểu cho các ngõ hẻm khu phố bình dân, với hầu hết cư dân thuộc giới lao động nghèo, là thành phần chiếm đa số ở Sài Gòn.
Lối hẻm chỗ rộng chỗ chật, có nhiều cua quẹo chỉ lọt một chiếc xe đạp đi qua; cửa nhà nhấp nhô xô lệch, có nhà bóng lộn có nhà xám xịt, có nhà không số có nhà số hai ba lần “xuyệt”; họp chợ ngay trước hai bên nhà cửa: quang gánh thúng mủng chen chúc, cá tôm nhảy quẫy trong chậu bắn nước tứ tung…
Hẻm còn là quán tiệm giải khát điểm tâm, hàng quà bánh đủ loại; tiệm làm tóc, trang điểm cô dâu và các cô gái hành nghề lúc tối đêm; hộp đồ nghề làm “nails,” móng tay móng chân được cắt giũa sơn xanh đỏ tím ngay trước cửa một căn nhà nào đó.
Chiếc máy may đặt ngoài hiên nhà, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu chưng diện để các cô gái đi “shopping” siêu thị, xem hát ở tụ điểm ca nhạc, đi hát karaoke và tân cổ nhạc giao duyên, hát với nhau tại các quán văn-nghệ-có-ăn-nhậu-kèm-theo; âm thanh hỗn độn: tiếng gây gổ đòi nợ đóng hụi, tiếng chửi thề, tiếng xe gắn máy chạy đầy ngõ hẻm, tiếng con nít kêu la, tiếng tivi mở hết vô-lum; mùi vị xào nấu từ cửa các nhà, các quán nhậu…
Hẻm phố nhậu ở đường Hồ Thị Kỷ, quận 10. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)
Trong tiệm cà phê hẻm phố bình dân đó, những ông già ở trần say mê đọc-nhựt-trình hoặc nghe tin tức từ cái máy phát thanh nhỏ xíu như một món đồ cổ; những bà móm mém hút thuốc luôn miệng như lính lê-dương thuở xưa; những cô cậu trẻ tuổi bàn tán về sự kỳ diệu của xe hai bánh tay ga Air Blade – Click Nhật Bản, điện thoại di động đa chức năng, ngoài gọi và nghe còn chụp hình quay phim truy cập mạng…
Hẻm phố Sài Gòn thật lạ. Có những hẻm phố như ở vùng Phú Lâm-quận 6, đêm nghe tiếng ếch nhái tiếng côn trùng kêu rả rích như ở miền quê; có những hẻm phố ở quận Bình Tân – tách ra từ huyện Bình Chánh – tiếng động của sắt thép vang dội suốt đêm ngày, lấn át mọi âm thanh; có những hẻm phố ở quận 11, tiếng chó tru liên hồi trong đêm như tiếng sói hú giữa rừng hoang.
Có những con hẻm thuộc quận Phú Nhuận, như ở đường Huỳnh Văn Bánh – gần cổng xe lửa số 6 – đường Nguyễn Thị Huỳnh… vào sâu trong hẻm bình dân chợt gặp công trình kiến trúc đẹp lộng lẫy, như tách vỏ một loài sò thấy hạt ngọc trai. Có những con hẻm ở đường Hai Bà Trưng-Tân Ðịnh, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – đường Công Lý cũ – đường phố và hẻm phố đều đẹp, như viên ngọc được tách ra để thấy cả bên trong. Lại có những hẻm phố ở khu xóm bình dân như chỉ để chứa rác rến, phơi đầy lối đi những chai lọ túi bịch ni-lông và các phế phẩm linh tinh khác.
Có những hẻm phố Sài Gòn nổi tiếng khắp nước, như hẻm “Quán cơm Bà Cả” tại hẻm số 53 đường Nguyễn Huệ, quận 1. Quán cơm Bà Cả mà nhiều người gọi là Bà Cả Ðọi, có mặt tại Sài Gòn từ những năm cuối thập niên 1940, hầu như các nhà báo và văn nghệ sĩ Sài Gòn trước 30 tháng 4, 1975 cũng ưa lui tới.
Có thể không phải vì quán cơm này ăn ngon hay giá rẻ, mà vì nó lạ, nó toát ra một vẻ thân mật giản dị rất “miền Bắc” thuở xưa. Ði vào hẻm số 53, cuối hẻm là bậc cấp dẫn lên quán cơm Bà Cả. Bậc cấp này cũng là một sức thu hút những người có máu me văn nghệ; như thể con ngõ chỉ là lối đi, để tới bậc thang dẫn lên quán cơm Bà Cả. Từ nhiều năm nay, bà Cả già yếu không đứng bán cơm nữa, chuyển cho người em trai và hai con gái; hiện là các quán cơm mang biển hiệu Ðồng Nhân – ghi kèm thêm là Cơm Bà Cả – mở tại các đường Tôn Thất Thiệp, Trương Ðịnh và Xô Viết Nghệ Tĩnh (phía dưới chân cầu Thị Nghè).
Hẻm số 47 đường Phạm Ngọc Thạch (đường Duy Tân cũ) nổi tiếng là “cà phê hẻm Trịnh.” Hẻm là lối đi giữa hai bờ tường của những biệt thự, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở biệt thự cuối hẻm. Nhiều văn nghệ sĩ được/bị xem là “văn nghệ ngoài luồng” như nhóm Mở Miệng của hai nhà thơ Bùi Chát-Lý Ðợi, những người bất đồng chính kiến như Blogger Ðiếu Cày-Nguyễn Hoàng Hải, Thạc sĩ Công nghệ thông tin Nguyễn Tiến Trung, trước đây thường xuyên uống cà phê tại hẻm 47. Buổi sáng, khách uống cà phê ngồi dài bờ tường con hẻm, trong đó hẳn nhiên có công an chìm theo dõi những người bất đồng chính kiến, những người hay tham gia biểu tình chống Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa-Trường Sa… Buổi chiều vắng khách, thường gặp nhiều khách phương Tây tới cà phê hẻm 47; có lẽ tiếng tăm của “cà phê hẻm Trịnh” đã vang dội khắp nơi.
Hẻm phố Sài Gòn thật lạ, chất chứa bao tình. Chúng tôi đã gặp một hẻm phố thuộc đường Nguyễn Trãi (đường Võ Tánh cũ), con hẻm rất giống hình chai rượu: đáy chai là đầu hẻm, cuối hẻm thắt lại y hệt cổ chai. Một gã bụi đời nghiện rượu đã chọn đầu hẻm giống đáy chai rượu này làm nơi cư ngụ. Bà con hẻm phố bình dân Sài Gòn thì không khác nào bà con ở làng xóm thôn quê. Mỗi khi nhà ai có đám ma đám cưới thì gần như bà con cả hẻm phố tham gia, chia sẻ. Bà con xăng xái phụ dựng lều dựng rạp, tham gia hát hò giúp vui lên cho đám ma, góp mừng thêm cho đám cưới; nhà ai có người đau ốm cần cấp cứu, sản phụ sắp sinh, bà con luôn nhanh lẹ góp bàn tay đưa đi bệnh viện…
Và những đêm khuya hẻm phố, âm thanh ngắn gọn của hai thanh tre đập cóc cóc vào nhau từ tay chú bé rao bán hủ tíu gõ; tiếng lóc xóc từ dây xâu những miếng kim loại của chàng dáng vẻ thư sinh thuở xưa, thay tiếng rao ai đau lưng nhức mỏi để chàng vào đấm bóp, ngó và nghe sao buồn bã thê lương.
Sức sống từ hẻm phố làm nên Sài Gòn, một Sài Gòn mà nhà văn Bình Nguyên Lộc đã hình dung là một thanh niên đầy sức sống, có thể tiêu hóa bất cứ thứ gì, kể cả sắt. Sự cuốn hút của bất cứ một hẻm phố nào lúc khuya khoắt, có phải sức cuốn hút của hư vô, của đêm tối? Ðể nhiều lần, trước 30 tháng 4, 1975, đạo diễn phim Hè Muộn đứng sững hàng giờ trước những con hẻm dẫn vào sâu hun hút, dưới ánh đèn đêm tư lự hắt hiu.
Hẻm phố Sài Gòn vẫn sống giữa lòng thành phố, lại thêm nhiều tâm sự hơn xưa. Nhưng bây giờ có đạo diễn phim ảnh nào như Ðặng Trần Thức, cảm nhận đến sững sờ nhịp đập của trái tim Sài Gòn?
Bài này đã được đăng trong Du Lịch. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này